Vietnet24h - Đứng trước nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trong đề xuất với Chính phủ việc xã hội hóa nguồn cung vắc xin và các cơ chế đối với doanh nghiệp nhập khẩu và tiêm vắc xin ngừa COVID-19, sáng ngày 4 tháng 6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã tổ chức cuộc họp với nhóm lãnh đạo các hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Cuộc họp được tiến hành dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 cùng với đại diện cộng đồng các doanh nghiệp do ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn đầu cùng đại diện lãnh đạo của các hiệp hội ngành hàng có thâm dụng nhiều lao động và có tỷ trọng xuất khẩu lớn và đại diện khối doanh nghiệp Âu, Mỹ tại Việt Nam. Đại diện các hiệp hội ngành hàng tham vấn ý kiến với Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống dịch bệnh COVID-19
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 chủ trì cuộc họp
Ngày 1 tháng 6 năm 2021, VCCI đã thay mặt cộng đồng doanh nghiệp (DN) gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số nội dung, trong đó đề cập tới hai nội dung chủ yếu: - Quan tâm bổ sung người lao động tại các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất (không chỉ lao động tại các khu công nghiệp) vào danh sách ưu tiên tiêm chủng sớm, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động, ngăn chặn dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. - Hướng dẫn cụ thể về chủ trương xã hội hóa nguồn cung văc xin và việc tiêm phòng. Đồng thời tổ chức tiêm vắc xin cho người lao động tại doanh nghiệp kịp thời, an toàn ngay sau khi vắc xin được nhập khẩu về Việt Nam.
Thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã cùng nhau vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra trong hơn một năm qua. Đến nay, Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều nguồn lực trực tiếp và gián tiếp vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 như hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ, tích cực nghiên cứu các giải pháp phòng, chống dịch…
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp ngành da giày, thuỷ sản, dệt may, điện tử đều khẳng định vaccine là giải pháp căn cơ mà các doanh nghiệp đang rất trông chờ để duy trì hoạt động sản xuất liên tục, tránh đứt gãy các chuỗi cung ứng, đáp ứng được các đơn hàng, tận dụng được cơ hội để phát triển.
Trên cơ sở chính sách của Chính phủ, đại diện các hiệp hội đều cho biết, doanh nghiệp chấp nhận tự trả chi phí để tiêm cho người lao động và cần sự minh bạch và cơ chế chia sẻ công bằng giữa các doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ Văc xin.
Ông Nguyễn Hải Minh, đại diện EuroCham cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp về tài chính và chuyên môn kinh nghiệm để tham gia vào quá trình phân phối, bảo quản và tổ chức tiêm cũng như xác nhận tiêm chủng. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho biết, hiện nay chưa có doanh nghiệp nào thuộc hiệp hội đàm phán để mua vắc xin về được mà trông chờ vào nguồn cung do Chính phủ.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị cho phép Hiệp hội VASEP đăng ký mua 500.000 liều vắc xin mà Chính phủ đang đặt mua và tự chịu chi phí mua, tổ chức tiêm cho người lao động của mình.
Cùng ý kiến với VASEP, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) cũng bày tỏ mong muốn để doanh nghiệp tự chi trả chi phí tiêm vắc xin cho người lao động và tin tưởng vào nguồn cung vắc xin của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) ông Trương Văn Cẩm đề nghị Chính phủ/Bộ Y tế cần làm rõ "hồ sơ hợp pháp, hợp lệ" để nhập khẩu vắc xin, đồng thời đề nghị có hướng dẫn về đầu ra trong thứ tự ưu tiên tiêm vắc xin sau 9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm miễn phí, thủ tục để các doanh nghiệp đăng ký tiêm như thế nào, để đảm bảo thực hiện được mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Đại diện các hiệp hội ngành hàng tham vấn ý kiến với Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống dịch bệnh COVID-19
Đại diện đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) và Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) bà Đỗ Thị Thúy Hương gửi đến Phó Thủ tướng 7 kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp ngành hàng, trong đó tập trung vào các nội dung: 1.Quan tâm và ưu tiên tiêm vắc xin sớm cho lực lượng lao động ngành điện tử và công nghiệp hỗ trợ (đặc biệt là lao động làm việc tại các công ty thuộc các chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất FDI lớn, lao động tại các khu công nghiệp tập trung, khu vực có tập trung đông lao động) để đảm bảo tránh đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng.
2. Doanh nghiệp sẵn sàng tự chi trả chi phí tiêm vắc xin cho người lao động của đơn vị mình.
3. Kiến nghị: Chính phủ chuẩn bị tốt cho việc vận chuyển (hạ tầng logistic cho vắc-xin), lưu trữ, phân phối vắc xin tới người dân.
4. Kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế: lên phương án và tập huấn cho cán bộ y tế và tổ chức việc tiêm vắc xin, đảm bảo việc tổ chức tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả, đúng thứ tự ưu tiên.
5. Kiến nghi Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục thống nhất việc quản lý nguồn vắc xin nhập về đảm bảo chất lượng, an toàn và kiểm soát việc tiêm vắc xin cho toàn dân.
6. Kiến nghị Chính phủ/Bộ Y tế thống nhất cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên toàn quốc và quản lý chứng nhận bằng điện tử, làm việc với các quốc gia để có sự công nhận lẫn nhau trong các giấy chứng nhận/hộ chiếu vắc xin, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương, công tác và học tập ở nước ngoài.
Về nội dung thứ 7, bà Hương kiến nghị về công tác phòng chống dịch COVID - 19 đối với khối doanh nghiệp, trong đó đề xuất Chính phủ thống nhất chỉ đạo toàn diện đối với các vùng có dịch, tránh để các địa phương có dịch ra những thông báo không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh. Tổ chức test nhanh COVID-19 đối với người lao động: nên cho dùng que thử và doanh nghiệp tự thực hiện (dưới sự giám sát của nhân viên y tế), nhằm giảm tải cho lực lượng y tế tuyến đầu, đồng thời tăng tính chủ động của DN. Doanh nghiệp hội viên VASI xung phong sản xuất và cung cấp buồng lấy mẫu lưu động.
Phó Thủ tướng tiếp tục trao đổi cởi mở với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp về cơ chế nhập khẩu, kiểm soát và tổ chức tiêm vắc xin toàn dân
Trưởng Đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ và ASEAN (USABC) ông Vũ Tú Thành cho biết, toàn bộ vắc xin hiện nay trên thế giới đều đang được cấp phép lưu hành khẩn cẩp mà chưa có MA (cấp phép lưu hành thương mại). Do đó, các doanh nghiệp sản xuất vắc xin chưa bán vắc xin thương mại, tức là chưa giao dịch với khối doanh nghiệp, mà chỉ giao dịch với các chính phủ.
Ông Thành cũng cho biết, doanh nghiệp Âu, Mỹ, theo quy định của công ty tại chính quốc, thì không được phép đóng góp vào quỹ của Chính phủ. Vì thế, ông đề xuất USABC có thể hình thành một quỹ riêng để các doanh nghiệp của hiệp hội đóng góp chi phí tiêm vắc xin và hỗ trợ hạ tầng bảo quản, vận chuyển vắc xin. Ông cũng đề xuất chính phủ Việt Nam xem xét chơ chế chia sẻ vắc xin với những quốc gia có vắc xin nhưng chưa dùng đến, dư thừa.
Tiếp thu các kiến nghị, góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp về việc nhập khẩu vắc xin và tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận cuộc họp như sau:
1) Việt Nam không thiếu tiền để nhập khẩu Vắc xin, mà do nguồn hàng khan hiếm.
2) Đến nay các hãng sản xuất Vắc xin chỉ đàm phán bán qua kênh Chính phủ. Theo thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Tất cả vắc xin hiện nay đang được cấp phép theo cơ chế khẩn cấp. Có nghĩa là chưa có MA, chưa được phép bán thương mại. Doanh nghiệp sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 chỉ đàm phán với Chính phủ, do theo cơ chế cấp phép khẩn cấp, doanh nghiệp sản xuất vắc xin được miễn trừ trách nhiệm nếu xảy ra tai biến (chỉ có các Chính phủ đứng trước sinh mạng của người dân mới dám chịu toàn bộ trách nhiệm), đồng thời doanh nghiệp sản xuất vắc xin được miễn trách cả về thời gian giao hàng nếu không kịp thời.
PTT Vũ Đức Đam cũng cho biết, hiện nay chưa có doanh nghiệp nào mua được vắc xin, các hãng chỉ làm việc với Chính phủ. Chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp được phép phân phối (cho Moderna) nhưng không phải là doanh nghiệp tự mua và nhập khẩu. Tất cả vắc xin ngừa COVID-19 hiện nay chỉ bán cho Chính phủ, không bán cho doanh nghiệp.
3) Việt Nam đã đàm phán 170 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 từ nhiều nguồn đến hết năm nay đủ cho nhu cầu, tiến độ tiêm phụ thuộc thời gian các lô hàng về.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đễn ngày 2/6/2021, đã có 125 triệu liều vắc xin đã được Chính phủ hoàn tất đàm phán nhập về, cụ thể như sau:
5 triệu liều
20 triệu liều
30 triệu liều
31 triệu liều
38,9 triệu liều
Vắc xin của Moderna
Vắc xin của Nga (Sputnik V)
Vắc xin AstraZeneca (AZ) sản xuất
Vắc xin của Pfizer BioNTech
Chương trình COVAX Facility
Tháng 3/2021 Bộ Y tế đàm phàn, nhưng không có vắc xin cung cấp năm 2021
Ngày 2/6/2021 Bộ Y tế đàm phán trực tiếp và đạt đc thỏa thuận mua 20 triệu liều trong năm 2021
Tháng 10/2020 khi vắc xin đang thử nghiệm lâm sàng, Bộ Y tế đàm phán với AZ mua 30 triệu liều
Tháng 10/2020 khi vắc xin đang thử nghiệm lâm sàng, Bộ Y tế đàm phán với Pfizer mua 31 triệu liều
Tháng 9/2020, COVAX phê duyệt năm 2021 Việt Nam được tài trợ 38,9 triệu liều để tiêm cho 20% dân số.
Tháng 5/2021 hãng ủy quyền cho Zuelig Pharma phân phối 5 triệu liều
Cty VNVC là đối tác được AZ chọn để ký HĐ nhập về (theo chỉ định của CP)
20/5/2021 Bộ Y tế ký HĐ mua vắc xin
Lô vắc xin thứ nhất 811.200 liều về VN ngày 1/4/2021
TP.HCM đề nghị được mua
Lô vắc xin thứ nhất 117.600 liều về đến VN 24/2/2021
Tiến độ cung ứng: quý 3/2021 15,5 triệu liều; quý 4/21: 15,5 triệu liều
Lô vắc xin thứ 2: 1.682.400 liệu về VN ngày 16/5/21
4) Không phải cứ có tiền là được tiêm trước mà phụ thuộc vùng có nguy cơ và thứ tự ưu tiên của Việt Nam theo nguyên tắc tiếp cận công bằng của Liên Hiệp Quốc, khi ở vùng có nguy cơ cao, người lao động sẽ được đưa vào đánh sách ưu tiên. Chính phủ ưu tiên và quan tâm đến khối doanh nghiệp sau thứ tự ưu tiên của 9 đối tượng có nguy cơ cao theo Nghị quyết của Chính phủ đã ban hành.
5) Không bắt buộc doanh nghiệp đóng góp tiền mua Vắc xin. Chính phủ chỉ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện đóng góp vào quỹ Văc xin COVID-19 bằng nhiều hình thức.
Hiện nay, Chính phủ đã chuẩn bị đủ tiền để tiêm miễn phí cho nhân dân đến 70% đân số. Chính phủ không bắt buộc doanh nghiệp, hiệp hội phải trả tiền tiêm vắc xin cho người lao động. Chính phủ cũng không ra điều kiện doanh nghiệp phải đóng góp vào quỹ Vắc xin thì người lao động mới được tiêm.
Khi có vắc xin về sẽ triển khai tổng lực đến 10.000 điểm tiêm quốc gia trên toàn quốc. Chính phủ bảo đảm việc huấn luyện để các điểm tiêm quốc gia có đủ năng lực bảo quản, tiêm vắc xin và xử lý kịp thời sốc phản vệ (nếu có).
Các phòng khám tư nhân đủ điều kiện cũng được cấp phép để tiêm vắc xin. Hiện nay 10.000 điểm tiêm chủng quốc gia đủ năng lực mà chưa cần đến khối tư nhân, mặc dù Chính phủ vẫn luôn hoan nghênh và tạo điều kiện. Bộ Y tế lên danh mục đối tượng phải khai báo y tế bắt buộc, phải cập nhật tình trạng sức khỏe hàng ngày, đây là thông tin sàng lọc ban đầu để tổ chức tiêm vắc xin cho người dân theo thứ tự ưu tiên.
6) Trong tình hình hiện nay DN không nên qua kênh môi giới nào để mua vắc xin, mà nên tập trung vào lo sản xuất, đặc biệt thực hiện thật tốt các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Bạn chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế.
Cuộc họp kết thúc với sự tin tưởng và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp với các chính sách, chỉ đạo nhất quán từ Chính phủ trong việc phòng chống bệnh dịch và quá trình tổ chức mua, tiêm vắc xin tới toàn thể người dân và cộng đồng doanh nghiệp an toàn, kịp thời và hiệu quả.
HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM Trụ sở chính:
Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email:
hiephoidientu@veia.org.vn, Website:
www.veia.org.vn