Đánh giá về những tác động và ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước năm 2019 đến ngành điện tử Việt Nam, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thúy Hương cho biết: "Do tác động và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã làm gia tăng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam cùng với xu hướng dịch chuyến vốn đầu tư và sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, tạo cơ hội cho Việt Nam tăng thu hút FDI, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử". Theo đó, cơ hội cho ngành điện tử đón nhận làn sóng đầu tư vào sản xuất và đặc biệt hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng ngay tại Việt Nam sẽ trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết.
Đại diện ban tổ chức, ông Savi Phan Ngân, Giám đốc Dự án, Công ty Reed Tradex Việt Nam cũng chia sẻ: “Hòa nhịp cùng cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng phát triển kinh tế số và tiềm năng của nền tảng kết nối 5G, Việt Nam đã và đang là một thị trường nhộn nhịp cho ngành công nghiệp và chế tạo linh kiện điện tử với nhiềm tiềm năng thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nước trên thế giới".
Ông Savi Phan Ngân, Giám đốc Dự án, Công ty Reed Tradex Việt Nam
Tại diễn đàn, Bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, Phó Giám đốc Trung tâm IPS, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết ngành cũng đã cập nhật các vấn đề liên quan đến ngành Công nghiệp Điện tử Việt Nam, Cơ hội từ EVFTA và chính sách kết nối doanh nghiệp đứng ở góc nhìn chính phủ. Theo đó, sự kiện Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu (IPA) vào chiều 30/6/2019 tại Hà Nội, được đánh giá là cơ hội vàng cho hợp tác kinh tế giữa tất cả các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp điện tử nói riêng với các nước trong Liên minh châu Âu (EU), thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, Phó Giám đốc Trung tâm IPS, Cục Công nghiệp – Bộ Công thương
Bà Thúy bày tỏ quan điểm: “Khi ngành điện tử Việt Nam xây dựng được mạng lưới các nhà cung cấp trong nước có năng lực cạnh tranh toàn cầu thì sẽ giúp giảm rủi ro về chuỗi cung ứng, thời gian giao hàng cũng như chi phí. Đồng thời, nhóm này cũng sẽ hỗ trợ gia tăng tính linh hoạt của ngành điện tử nói riêng và nền kinh tế nói chung, giúp giữ chân doanh nghiệp FDI hiện có và thu hút nguồn FDI mới”.
Ông Ron Ashkin, Giám đốc Dự án LinkSME giới thiệu và hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký tham gia dự án
Xuyên suốt chủ đề kết nối và đối thoại cùng các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất toàn cầu, dự án LinkSME, một dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt kết nối với các công ty nước ngoài nhằm tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, đã được ông Ron Ashkin, giám đốc dự án giới thiệu tới các doanh nghiệp ngành điện tử và các doanh nghiệp tham dự được khuyến khích đăng ký tham gia dự án.
Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp cùng với bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp bền vững, một trong những bộ chỉ số quan trọng, góp phần giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững và tham gia thành công vào chuỗi sản xuất toàn cầu đã được ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng ông Phạm Hoàng Hải đến từ Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, thuộc VCCI giới thiệu và hướng dẫn cặn kẽ tới doanh nghiệp.
Đại diện CANON Việt Nam, bà Đào Thu Huyền chia sẻ những đánh giá của CANON về những doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của CANON tại Việt Nam
Diễn đàn trở nên sôi nổi với màn hỏi đáp về các nội dung xoay quanh vài trò của các cơ quan quản lý nhà nước, của các hiệp hội các tổ chức hữu quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ngành điện tử kết nối với các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, đại diện của CANON Việt Nam, doanh nghiệp đầu chuỗi cũng chia sẻ việc nhìn nhận đánh giá và hỗ trợ doanh nghiệp trong chuỗi của CANON, như một trường hợp điển hình để các doanh nghiệp tham khảo.
Bà Đào Thu Huyền, Phó Giám đốc Văn phòng Tổng Giám đốc CANON Việt Nam chia sẻ: "Tính đến nay, CANON đã có tổng số 378 nhà cung cấp toàn cầu trong chuỗi sản xuất của CANON. Trong đó, có đến 170 nhà cung cấp nội địa. Tuy nhiên, chỉ có 24/170 nhà cung cấp là doanh nghiệp thuần Việt". Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt còn phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi.
Bà Huyền nhận định những điểm yếu của doanh nghiệp Việt hiện nay ở chỗ: Năng lực sản xuất thấp, thiếu vốn, thiếu thiết bị; Yếu về kỹ thuật, chất lượng không ổn định; Hệ thống quản lý & phương pháp quản lý chưa chuyên nghiệp, chưa có chính sách dài hạn; Khả năng đối ứng với các vấn đề bất thường, các vấn đề phát sinh, nhu cầu thay đổi của khách hàng, cải tiến để có giá thành cạnh tranh hơn, đối ứng kế hoạch sản xuất của nhà cung cấp chưa cao; Ban lãnh đạo thiếu quyết tâm, nỗ lực để trở thành đối tác của các nhà sản xuất sản phẩm hoàn thiện. Do đó, các nhà sản xuất Việt Nam cần nỗ lực, quyết tâm rất nhiều để tăng tính cạnh tranh về giá thành, chất lượng ổn định & đảm bảo môi trường.
Thông điệp của Diễn đàn Điện tử Việt Nam 2019 muốn truyền tải tới doanh nghiệp là phát triển doanh nghiệp bền vững không chỉ là đích đến mà là cả quá trình liên tục phấn đấu và hoàn thiện của doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp đủ khả năng thích ứng và tham gia thành công vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Diễn đàn điện tử Việt Nam là sự kiện tiền Triển lãm quốc tế NEPCON Việt Nam 2019 - Triển lãm duy nhất tại Việt Nam dành cho SMT, Công nghệ thử nghiệm, Thiết bị và Công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử sẽ diễn ra từ ngày 11-13 tháng 9 năm 2019 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (ICE, Hà Nội) với sự tham gia bởi hơn 200 thương hiệu hàng đầu, từ 20 quốc gia và bao gồm 7 gian hàng quốc tế từ các quốc gia công nghệ hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và Đài Loan,…
(Theo www.vietnet24h.vn)
Các bài trình bày tại Diễn đàn của thể tải về Tại đây: