Thứ năm, 28/03/2024
Translate
Tìm kiếm
Giới thiệu chung VEIA
English
Tin tức và sự kiện
Doanh nghiệp hội viên VEIA
Xúc tiến thương mại
Dịch vụ trực tuyến B2B
Thế giới công nghệ
Xã hội điện tử-thông tin
Văn bản pháp quy
Hội viên Hiệp hội điện tử
English News and Events
Đại hội VEIA IV
Tạp chí Điện tử Vietnet24h, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Thông tin thời tiết

  Cập nhật: 20/05/2012
Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Đợi ngày xuất khẩu tại chỗ

Chưa lúc nào cụm từ “công nghiệp hỗ trợ” lại được nhắc đến nhiều như trong vài năm trở lại đây, đặc biệt trong thời điểm kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn. Đối với nền kinh tế Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được coi như một yếu tố tích cực để thúc đẩy nền công nghiệp sản xuất, không chỉ để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhưng thực sự mảng công nghiệp “phụ” này lại đang khiến cho nhiều ngành công nghiệp sản xuất chính sức ép tụt hậu và thoái lui.

Triển lãm Manufacturing Expo Vietnam 2011 thu hút sự quan tâm của 9.774 lượt khách tham quan, tăng 32% so với năm 2010. Các nhà đồng tổ chức sự kiện này hy vọng đây sẽ là cơ hội mới cho sự phát triển ngành CNHT tại Việt Nam và nhu cầu sử dụng sản phẩm CNHT trong thời gian tới của doanh nghiệp FDI sẽ được cải thiện

Nguy cơ rời khỏi Việt Nam của doanh nghiệp FDI

Phát triển CNHT có vai trò chấp nối với các ngành sản xuất khác, là một trong những nhân tố đón chào được nhiều nhà đầu tư lớn từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, giúp nước ta tham gia vào được chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm. Trong bối cảnh kinh tế của Việt Nam nói riêng hiện nay, CNHT còn có vai trò trong việc giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, CNHT đang là khâu yếu của nền kinh tế. Theo thống kê, ở nước ta có khoảng 30 ngành kinh tế kỹ thuật cần đến CNHT nhưng nhiều ngành trong số đó đang quá lệ thuộc vào linh kiện, phụ tùng nhập khẩu. Chỉ tính riêng trong năm 2010, nhập siêu của nước ta trong lĩnh vực máy móc chiếm 22-25%. Những sản phẩm trong nước làm được chỉ đạt 50% yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan.

Tại Hội thảo Công nghiệp chế tạo và CNHT Việt Nam tổ chức vào ngày 11/8/2011 ở Hà Nội do Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp FDI rút khỏi Việt Nam.

Trên thực tế, đây không còn là cảnh báo ở góc độ của nhà quản lý. Nhiều tập đoàn liên doanh đa quốc gia có doanh nghiệp lắp ráp lớn ở Việt Nam cho biết, đến năm 2015, nếu tỷ lệ nội địa hóa không đạt 60%, họ sẽ chuyển đến khu vực khác gần nguồn nguyên liệu hơn.

Các liên doanh lắp ráp ô tô ở Việt Nam cũng đã cho biết, nếu đến năm 2018 tỷ lệ nội địa hóa không đạt được khoảng 60% thì nhiều nguy cơ các doanh nghiệp ô tô cũng sẽ ra đi. Tại Hội thảo Công nghiệp chế tạo và CNHT Việt Nam, đại diện của Honda Việt Nam cho biết khó khăn lớn nhất trong việc nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam là do các doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ nội địa hóa ở cấp số 1, cấp thấp nên những chi tiết phức tạp họ vẫn phải nhập khẩu ở các nước khác. Năng lực dự phòng của doanh nghiệp Việt cũng yếu, cần phải đầu tư cơ quan nghiên cứu để phát triển sản phẩm.

Ngành công nghiệp điện tử, đứng thứ 5 trong các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam trong những năm gần đây cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản. Theo ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm này quá ít do đó giá trị gia tăng thấp (chiếm chưa đến 17%). Một thực tế nữa cũng được ông Hùng thẳng thắn nêu ra là ngành điện tử Việt Nam đang ở đáy của chuỗi giá trị. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước nhưng không hề có chỗ đứng trong ASEAN. Thậm chí, hiện nay đã có hiện tượng nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hàng điện tử, kể cả doanh nghiệp FDI gần đây thi nhau thu hẹp sản xuất, chuyển hướng sang nhập khẩu hàng nguyên chiếc để bán.

Ông Takezo Yanagida, Phó chủ tịch Tổ chức thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, tỷ lệ đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong những năm gần đây tăng cao hơn các nước trong khu vực nhưng vấn đề mà họ gặp phải là khó khăn trong tìm kiếm linh phụ kiện được sản xuất tại đây. Ông Takezo Yanagida cũng cho biết thêm, theo điều tra của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất linh kiện ở Việt Nam thấp hơn các nước ở Đông Nam Á, vì vậy các nhà chế tạo Nhật Bản tại Việt Nam phải nhập linh kiện từ các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sự cạnh tranh về mặt xuất khẩu của các sản xuất thành phẩm mà còn ảnh hưởng tới lợi nhuận thương mại của Việt Nam.

Ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam rõ ràng đang chịu sức ép rất lớn trong thời gian tới.

Cơ hội tìm kiếm nguồn cung tại chỗ sản phẩm NCHT tại Manufacturing Expo Vietnam 2011

Thiếu nguồn cung tại chỗ, vì sao?

Ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc VINAXUKI cho biết doanh nghiệp hiện đang phải vay lãi suất quá cao. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước có, vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam cũng nhiều nhưng doanh nghiệp chưa được hưởng.

Sau quyết định giảm lãi suất cho vay sản xuất của Ngân hàng Nhà nước (vào đầu tháng 9) xuống còn 17-19% nhưng ông Đào Minh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Phương Vi, chuyên gia công khuôn mẫu chính xác cho biết: Hoạt động trong ngành cơ khí đòi hỏi phải nâng cấp công nghệ liên tục để đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Nhưng hiện tại, lãi suất ngân hàng quá cao nên ít có doanh nghiệp dám vay vốn. Thực tế cũng ít doanh nghiệp vay được với mức lãi suất ấy. Nó vẫn cao so với mức đầu tư tài sản cố định của doanh nghiệp, trong khi mức lãi suất ấy là ngắn hạn.

Xung quanh vấn đề về vốn đầu tư, ông Lê Gia Bảo, đại diện cho Công ty FC Hòa Lạc cũng cho rằng trong thời điểm lạm phát, lãi suất như hiện nay là quá cao. Do đó, ông Bảo kiến nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ dài hơi cho doanh nghiệp phụ trợ vay vốn thấp hơn, vay ít nhất phải được 7 năm doanh nghiệp mới đủ thời gian xoay xở.

Năng lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế chỉ là một khía cạnh nhưng nó cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động quản lý công nghệ, quy mô sản xuất, nhân lực cũng như chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn được thể hiện trong thời gian qua là sự thiếu chủ động của bản thân doanh nghiệp nội địa. Còn nhớ, đại diện của Công ty Canon Việt Nam đã từng cho biết hãng này thâm nhập thị trường Việt Nam từ năm 2001, đến nay đã có mối quan hệ làm ăn với khoảng 100 doanh nghiệp tại đây. Tuy nhiên hầu như tất cả các mối làm ăn đều do phía Công ty Canon phải chủ động tìm kiếm.

Quyết định số 12/2011 về phát triển CNHT do Chính Phủ ban hành vào ngày 24/2/2011là một cơ hội mới cho sự phát triển ngành này. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều doanh nghiệp tìm cách tiếp cận vẫn không được hưởng lợi từ quyết định này, theo họ do quyết định chỉ mang tính chung chung, không cụ thể, chưa sát với thực tế của doanh nghiệp, lại có những doanh nghiệp hoạt động trong ngành này nhưng không biết gì về quyết định này hoặc có nghe nói nhưng không biết tìm hiểu ở đâu! Thực tế này được chúng tôi ghi nhận khi tiếp cận với một số doanh nghiệp tại tổ hợp 3 triển lãm liên quan đến CNHT, gọi chung là Manufacturing Expo 2011 (diễn ra từ ngày 15-17/9 vừa qua tại Hà Nội).

Bao năm nay ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn biết CNHT vừa thiếu vừa yếu, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT không thiếu đầu ra, thậm chí có nhiều cơ hội xuất khẩu tại chỗ cho các doanh nghiệp FDI. Nhưng bao giờ CNHT của Việt Nam mới đạt đến tầm xuất khẩu tại chỗ?

Bảo Hà

Số 131 (10/2011)♦Tạp chí tự động hóa ngày nay

  Trang trước    | Về đầu trang
Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Hội Tin học Việt Nam
VAA
Hội tin học Thành Phố Hồ Chí Minh
Công ty TNHH MTV Hanel
Công ty CP Minh Việt
Trung tam TKNL Hanoi (ECC Hanoi)
Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng An Phát



www.veia.org.vn

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email: hiephoidientu@veia.org.vn, Website: www.veia.org.vn

.Designed by Intecom ( Minh Việt JSC and HanelCom )